Với bề dày văn hóa- lịch sử và vị trí địa lý, thị xã An Nhơn có nhiều lợi thế cho quá trình phát triển đô thị. Địa thế gần như giữa chiều dài đất nước, trên con dường thiên lý Bắc- Nam cả đường sắt và đường bộ, lại giao nhau với quốc lộ 19 ở cửa ngõ phía đông nam của thị xã, gần cảng biển Quy Nhơn và cửa ngõ sân bay Phù Cát.
Thị xã An Nhơn – bề dày lịch sử
Từ những thập niên đầu thế kỷ 20 trở về trước, giao thông đường bộ chưa phát triển, giao lưu hàng hóa chủ yếu bằng đường sông. Là địa bàn ở hạ du sông Côn, một trong hai con sông lớn nhất tỉnh Bình Định, lại là đất thành kinh, từng là kinh đô Chămpa và vương triều Tây Sơn- Nguyễn Nhạc, lỵ sở của tỉnh. Mảnh đất in dấu ấn lịch sử trên các thành cổ: Thành Cha, Đồ Bàn, Hoàng Đế, phủ thành Quy Nhơn, thành Bình Định và dày đặc di tích từ nền văn hóa Chămpa, đến các chúa Nguyễn, triều Tây Sơn, triều nhà Nguyễn và thời kỳ cách mạng, trải qua hơn ngàn năm.
Nơi hội tụ, giao thoa nhiều tầng văn hóa, tụ cư của nhiều tộc người, từ dân tộc Chăm, rồi đến lớp người Việt ở các tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh… di cư vào mở đất và người Hoa gốc Minh Hương sang đây chọn đất lành chim đậu, mở mang phồ thị. Điều kiện tự nhiên – kinh tế – xã hội thuận lợi cho quá trình hình thành những thị tứ ven sông. Chính những thị tứ này càng về sau càng giữ vai trò vừa là vệ tinh cho khu trung tâm, vừa là định hình cho quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị của cả thị xã, nhất là các phường trung tâm như Đập Đá, Bình Định.
Những làng nghề, phố chợ dọc hai bên các nhánh sông Côn xuất hiện từ rất sớm, gắn kết với giao thông đường thủy. Đó là phố thị An Thái, Thạch Yển (Đập Đá), Gò Chàm (Bình Định), Gò Găng, Cảnh Hàng, Phú Đa…nối kết với phố chợ Cây Cốc (Phú Phong), Đồng Phó, Định Quang… về phía thượng nguồn sông Côn, và phố thị Gò Bồi, Nước Mặn về phía cửa biển.
Tuy nhiên, do những hạn chế, kìm hãm phát triển kinh tế- xã hội dưới chế độ cũ, và do chiến tranh liên miên, nên đô thị ở An Nhơn trước năm 1975, ngoài hai trung tâm Bình Định, Đập Đá, các thị tứ khác cũng chỉ là những làng nghề truyền thống, gắn với những phố chợ mua bán nhỏ ở nông thôn.
Sau ngày đất nước thống nhất, hơn chục năm lo tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và ảnh hưởng cơ chế bao cấp kéo dài, nền kinh tế chậm phát triển, việc quy hoạch, xây dựng đô thị chưa được chú ý, mức độ hình thành đô thị hóa chưa đáng kể. Đến thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với đà tăng trưởng kinh tế- xã hội, nhất là sau khi thành lập hai thị trấn Bình Định và Đập Đá, đồng thời tiến hành quy hoạch tổng thể, việc xây dựng và phát triển đô thị được khởi động và bắt đầu khởi sắc.
Thị xã An Nhơn thời kỳ đổi mới
Từ những năm đầu thế kỷ 21, chuỗi đô thị từ ngã tư Gò Găng, giáp sân bay Phù Cát kèo dài vào đến ngã tư Cầu Gành, cửa ngõ phía đông nam An Nhơn không ngừng phát triển, tạo điểm nhấn cho cả vùng. Chính sự trổi dậy của 5 địa phương: Nhơn Thành, Đập Đá, Nhơn Hưng, Bình Định và Nhơn Hòa đã trở thành 5 phường nội thị khi thị xã An Nhơn được thành lập (Theo Nghị quyết số 28/CP của Chính phủ, ngày 28/11/2011), mà phường Bình Định là trung tâm của trung tâm, từng là tỉnh lỵ khi thành Bình Định tồn tại 132 năm suốt 13 đời vua triều Nguyễn. Phường Đập Đá từng được mệnh danh là đất trăm nghề, nằm dưới chân thành Hoàng Đế, là vùng kinh tế động lực, có sức sống và năng động trong kinh doanh nhất thị xã. Các phường Nhơn Thành, Nhơn Hưng, Nhơn Hòa cùng với các thị tứ vệ tinh ở các xã nông thôn vừa khôi phục, phát triển làng nghề, vừa đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Kinh tế của thị xã từ chỗ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đến nay cơ cấu đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp- dịch vụ ngày càng tăng, chiếm hơn 65% giá trị kinh tế toàn thị xã. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ năm 2009 đến nay xấp xỉ 11%.
Toàn thị xã có hơn 5.543 cơ sở sản xuất công nghiệp- TTCN, thu hút hơn 15.200 lao động, trong đó khu vực cá thể có tới 5.475 cơ sở, chiếm 98,8%. Trong 10 cụm công nghiệp do địa phương quản lý, với diện tích hơn 253 ha, có 6 cụm đã đi vào hoạt động có hiệu quả, 4 cụm đang xây dựng cơ sở hạ tầng. Toàn thị xã có 28 làng nghề truyền thống, trong đó có 24 làng được tỉnh công nhận, chiếm hơn 50% số làng nghề của cả tỉnh, đã và đang đang khôi phục và phát triển. Thị xã phối hợp hoàn thiện khu công nghiệp Nhơn Hòa của tỉnh ở phía nam quốc 19 quy mô hơn 300 ha, thu hút 24 dự án đầu tư, trong đó có 6 dự án đầu tư nước ngoài. Hàng ngày, cả thị xã có hàng vạn lao động nông nghiệp mặc áo thợ làm công nhân trong các nhà máy, góp phần quan trọng vào quá trình xóa đói giảm nghèo, ly nông chứ không ly hương.
Thương mại- dịch vụ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 22%. Toàn thị xã có trên 8.800 cơ sở kinh doanh thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ, giải quyết hơn 13.847 người, chủ yếu là thành phần kinh doanh cá thể, chiếm 8.503 cơ sở, trên 11.350 lao động. Các phố thị gắn với hệ thống chợ nông thôn đã hình thành mạng lưới thương mại- dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, đều khắp.
Sản xuất nông nghiệp ngày càng đi vào thâm canh cả trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hầu hết hơn 7.000 ha ba vụ lúa, chuyển sang làm hai vụ lúa chắc ăn, không những né tránh được mưa lũ, mà còn cho ra năng suất, sản lượng lương thực cây có hạt ngày càng tăng, nhiều năm vượt qua ngưỡng 100 ngàn tấn. Nhơn Lộc là một trong 4 xã điểm của tỉnh đã về đích, hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhơn An và Nhơn Phúc là hai xã điểm của thị xã đạt từ 15-16 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí. Rút kinh nghiệm từ các xã điểm, các xã- phường còn lại đều đã chủ động xây dựng và triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.
Những chủ trương lớn phát triển nâng tầm thị xã
Hai chủ trương lớn trọng tâm và cũng là hai chương trình tổng hợp, tác động, thúc đẩy nhau, liên quan đến tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể trong thị xã, đó là xây dựng nông thôn mới và phát triển, chỉnh trang đô thị. Xây dựng cơ sở hạ tầng: Giao thông, điện nước, vệ sinh môi trường, trường học, bệnh xá, các thiết chế văn hóa…được ưu tiên trong đầu tư phát triển.
Xem thêm dự án An Nhơn Green Park
Toàn thị xã có 654 km đường giao thông, đã được bê tông hóa, nhựa hóa trên 60%, riêng 72 km đường nội thị hai phường Bình Định và Đập Đá tương đối hoàn chỉnh, các trục chính đã chỉnh trang vỉa hè , lắp điện chiếu sáng và trồng cây xanh. Tuyến quốc lộ IA và tuyến quốc lộ 19 đoạn đi qua thị xã, giao nhau tại ngã tư Cầu Gành đang được gấp rút thi công mở rộng, nâng cấp. Tương lai không xa, hai tuyến đường huyết mạch quốc gia trở thành đường cao tốc, sẽ làm cho bô mặt phố phường cửa ngõ đông- nam, đông- bắc, đông- tây thị xã An Nhơn khởi sắc, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của vị trí hiếm nơi nào có được.
Đi liền với nâng cấp, mở rộng, nối kết các tuyến giao thông quốc gia, liên huyện, liên xã, liên thôn xóm là nấng cấp mạng lưới điện đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng cả đô thị và nông thôn; tiếp tục triển khai dự án cung cấp nước sạch cho 5 xã nông thôn còn lại để đến năm 2020 sẽ đảm bảo đủ nước sạch cho toàn thị xã; vấn đề xử lý rác, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh…gắn liền với quy hoạch, xây dựng các phân khu chức năng, các khu dân cư mới, nhất là các phường nội thị.
Hạ tầng kỷ thuật đô thị và nông thôn đã và đang tiếp tục tăng cường. Nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư mới phục vụ phát triển kinh tế- xã hội được quy hoạch và triển khai xây dựng như: Khu dân cư bắc Tân An, Vĩnh Liêm, Liêm Trực (phường Bình Định), khu dân cư Bàn Thành (phường Đập Đá), khi dân cư Cẩm Văn (phường Nhơn Hưng),v.v…Đi liền là các chương trình chỉnh trang đô thị được tiếp tục xúc tiến đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, nước sạch dân sinh, công viên, cây xanh vỉa hè…
Trước thềm năm mới Ất Mùi – 2015, năm có nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 85 năm Đảng ta tròn 85 tuổi; 40 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất Tổ quốc; 70 năm Quốc khánh 2/9; Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Thị xã An Nhơn đang rà soát lại những gí làm được, những gì còn tồn tại, để có những bước đi tiếp theo khẩn trương hơn, tích cực hơn, toàn diện hơn về xây dựng nông thôn mới và phát triển, chỉnh trang đô thị cả diện mạo phố phường, làng xã và con người văn minh đô thị. Hiện nay phát triển đô thị ở thị xã An Nhơn có tính chất bao trùm cả thị xã, kể cả khu vực nội thị và vùng vệ tinh, nhằm không ngừng làm cho diện mạo càng khởi sắc, xứng tầm với thị xã, và tương xứng với bề dày văn hóa- lịch sử của vùng đất kinh xưa.
Mọi thông tin chi tiết về dự án
PHỤ TRÁCH DỰ ÁN AN NHƠN GREEN PARK
TIN LIÊN QUAN
TAG TÌM KIẾM
– Khu đô thị An Nhơn Green Park
– An Nhơn Green Park
– Dự án An Nhơn Green Park
– An Nhơn Green Park
© Copyright 2017 – An Nhơn Green Park – Khu đô thị An Nhơn Green Park