Dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận đã được bàn thảo tại ba kì đại hội cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen. Lần gần đây nhất, Chủ tịch Lê Phước Vũ nói “Khi nào Cà Ná có giấy phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi”. Câu hỏi là khi nào Cà Ná mới có giấy phép để ông Vũ “xuất chiêu”?
“Ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư”
Tại đại hội cổ đông bất thường của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ngày 6/9/2016, ban lãnh đạo công ty trình cổ đông thông qua qua chủ trương đầu tư tổ hợp dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn một năm. Tầm nhìn quy hoạch giai đoạn 2017-2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn một năm. Tổng vốn đầu tư dự án ước tính 10,6 tỉ USD, trong đó riêng phân kì I.1 cần số vốn khoảng 500 triệu USD, tức hơn 11.000 tỉ đồng.
Lập luận ủng hộ “siêu dự án” này, Chủ tịch Lê Phước Vũ khi đó đã dẫn ra ví dụ về một doanh nghiệp lớn cùng ngành là Tập đoàn Hòa Phát quí trước đó đã lãi đến 2.000 tỉ đồng, trong đó lãi từ thép chiếm đến 80%. Ông Vũ kết luận “Ngu gì không làm thép, ngu gì không đầu tư?”
Đáng lưu ý, kế hoạch triển khai dự án thép Cà Ná được ông Vũ đưa ra trong thời gian khá “nhạy cảm” sau sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra. Chưa kể, thị trường thép thế giới khi đó cũng đang gặp khó khăn vì hàng triệu tấn thép dư thừa.
Trước những băn khoăn của cổ đông về một số dư luận bất lợi, lãnh đạo Hoa Sen cho rằng “những gì dư luận thể hiện trong thời gian qua, có không ít trong đó chỉ muốn ném đá, thọc gậy bánh xe, đố kị với Hoa Sen”.
Ban lãnh đạo Hoa Sen cũng cho biết dự án Cà Ná đã được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và được “Thủ tướng Chính phủ thị sát và có chỉ đạo chấp thuận về mặt chủ trương đầu tư ngày 27/8 tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận vừa qua”.
“Cơ quan nhà nước cấp phép khi nào thì ta làm khi đó”
Tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận của Hoa Sen. Nguyên nhân thì đã được nhiều người dự báo từ trước: “Đây là dự án công nghiệp nặng luyện cán thép được đề xuất sau sự cố nhà máy thép Formosa nên rất nhạy cảm, vì vậy bước nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư cần làm kỹ các nội dung trên ở mức nghiên cứu khả thi dự án”, văn bản kết luận ý kiến của Thủ tướng có đoạn viết.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bên cần tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô công suất, thời điểm phát triển dự án hợp lý.
Chủ đầu tư và cơ quan chức năng cũng cần đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của dự án, đảm bảo dự án an toàn, không xảy ra sự cố tương tự Formosa.
Ngoài ra, dự án cũng cần xác định lại tổng vốn đầu tư tổng thể trong đó có tính đến cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ, đồng thời xác định rõ nguồn nguyên liệu của dự án.
Đến ngày 16/1/2018, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2017-2018 Chủ tịch Lê Phước Vũ cho biết, hiện công ty đang xúc tiến, hoàn thiện, chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký đầu tư dự án, đồng thời tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn có uy tín để lựa chọn giải pháp công nghệ và máy móc thiết bị phù hợp cho việc triển khai dự án.
Ông Vũ nói “Cà Ná là dự án lớn, khi nào cơ quan nhà nước cấp phép khi nào thì ta làm khi đó”.
“Khi nào Cà Ná có giấy phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi”
Đến Đại hội cổ đông niên độ tài chính 2018-2019, dự án thép “tỉ đô” Cà Ná – Ninh Thuận một lần nữa lại được đem ra bàn thảo. Tuy nhiên sau gần hai năm dự án “đóng băng”, ông Vũ đã không còn quả quyết như kì đại hội 2016, cũng không hi vọng như kì đại hội 2018 mà thay vào đó là một sự buông xuôi, thanh thản.
Ông Vũ cho rằng Hoa Sen không làm Cà Ná cũng là một điều tốt vì nếu đang làm thì ông Vũ sẽ phải trực tiếp ra công trường chỉ đạo một tháng 30 ngày. Vì không làm dự án Cà Ná nên ông Vũ có thời gian lên núi sống thanh tịnh, tập công phu, tắm suối để “tâm an, trí sáng”.
(Trong một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư tổ chức mới đây, Chủ tịch Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát – đơn vị đang thi công đại dự án thép tại Dung Quất – cũng cho biết ông thường xuyên phải có mặt tại công trường để giám sát, chỉ đạo công việc, có khi cả tháng liền ông Long không gặp các lãnh đạo khác của Hòa Phát tại hội sở chính.)
Ông Vũ nói thêm: “Khi nào Cà Ná có giấy phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi”. Nhưng biết đến khi nào Cà Ná mới có giấy phép.
Theo báo cáo thường niên niên độ 2017-2018 mới được Hoa Sen công bố, trong niên độ vừa qua, “Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiên cứu, chuẩn bị các phương án đầu tư tối ưu đối với các Dự án thành phần thuộc Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận“.
Riêng đối với Dự án Cảng tổng hợp Cà Ná – Ninh Thuận, trong NĐTC 2017 – 2018, Tập đoàn đã hoàn thành một số thủ tục để chuẩn bị cho việc triển khai Dự án trong thời gian tới. Cụ thể:
Ngày 26/4/2018, Căn cứ trên ý kiến của Bộ Giao thông vận tải về thẩm quyền phê duyệt Dự án, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Giai đoạn 1 của Dự án Cảng Tổng hợp Cà Ná – Ninh Thuận. Quy mô của giai đoạn 1 của Dự án gồm 3 bến cảng, trong đó gồm 2 bến có năng lực tiếp nhận tàu có tải trọng 70.000 – 100.000 DWT và 1 bến có năng lực tiếp nhận tàu có tải trọng 20.000 DWT.
Diện tích triển khai dự kiến là 314,4 ha, trong đó phần diện tích cảng là 60,6 ha, diện tích mặt nước là 253,8 ha. Mục đích triển khai Dự án là phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa tại địa phương và Khu công nghiệp Cà Ná – Ninh Thuận.
Ngày 2/11/2018: Trên cơ sở ý kiến chấp thuận chủ trương từ Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án Quy hoạch chi tiết 1/500 đối với giai đoạn 1 của Dự án Cảng Tổng hợp Cà Ná – Ninh Thuận.
Trong thời gian tới, chủ đầu tư của Dự án (Công ty TNHH MTV Cảng Tổng hợp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận) có kế hoạch tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý tiếp theo, đồng thời chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để sớm đưa Dự án đi vào triển khai trên thực tế, dự kiến khởi công vào Quý II/2019.
Như vậy, đến nay Hoa Sen mới chỉ đạt một số tiến triển trong việc thực hiện dự án Cảng Tổng hợp Cà Ná – Ninh Thuận; đây là một dự án mang tính phụ trợ cho dự án thép Cà Ná – Ninh Thuận. Còn bản thân siêu dự án thép 10 tỉ USD thì vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Đã thành lập 5 công ty con tổng vốn 250 tỉ đồng tại Cà Ná
Theo báo cáo thường niên mới nhất, Hoa Sen đã thành lập có 5 công ty con do Hoa Sen sở hữu 100% vốn để thực hiện dự án tại Cà Ná bao gồm:
Công ty TNHH MTV Đầu tư Khu liên hợp luyện cá thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (HSIC) có vốn điều lệ 100 tỉ đồng do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch; ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất sắt, thép, gang.
4 công ty còn lại do ông Trần Ngọc Cu – Tổng giám đốc Hoa Sen làm Chủ tịch. Cụ thể gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với vốn điều lệ 50 tỉ đồng; hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận có vốn điều lệ 50 tỉ đồng; hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường thủy nội địa.
Công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, vốn điều lệ 30 tỉ đồng; hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xi măng, vôi và thạch cao; và
Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận với vốn điều lệ 20 tỉ đồng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Các công ty con này đều được thành lập vào cùng ngày 8/8/2016 và thay đổi đăng kí kinh doanh vào ngày 21/9 cùng năm. Từ đó đến nay, trong bối cảnh dự án thép Cà Ná bị tạm dừng, Hoa Sen cũng không có động thái tăng vốn cho các công ty con kể trên.